VIỆC ÁP DỤNG CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ HỆ THỐNG ĐIỀU HÒA TRONG MÔ TẢ VÀ MÃ HÓA HÀNG HÓA (HS) TẠI VIÊT NAM
Các vấn đề môi trường và xã hội là những tính năng chính của những sửa đổi, đặc biệt là việc sử dụng HS như là tiêu chuẩn để phân loại và mã hóa hàng hóa có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh lương thực và hệ thống dữ liệu cảnh báo sớm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc
Tính đến thời điểm hiện tại có đến hơn 98% lượng hàng hóa giao dịch toàn cầu tuân thủ theo Hệ thống điều hòa mô tả và mã hóa hàng hóa, với danh mục hàng hóa đa dạng cùng ngôn ngữ số sử dụng trong thương mại quốc tế.
Việt Nam ký kết tham gia Công ước HS từ và có hiệu lực từ ngày 01/01/2000. Theo quy định tại Điều 3 của Công ước, để làm tròn trách nhiệm của một bên tham gia Công ước, Hải quan Việt Nam với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối, thay mặt Chính phủ triển khai Công ước, phải phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan để:
– Công bố công khai ngày Công ước HS có hiệu lực đối với Việt nam, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, quyền hạn của các bên tham gia, nếu chưa kịp dịch ra tiếng Việt thì không cầu toàn, phải phát hành sớm nguyên bản tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để các ngành, các doanh nghiệp và tất cả những ai quan tâm có điều kiện nghiên cứu.
– Tập trung trí tuệ các ngành có liên quan để dịch một cách chính xác toàn bộ Công ước HS ra tiếng Việt và cho xuất bản bằng song ngữ Ang – Việt và Pháp – Việt, trong đó bản dịch phải công bố là chỉ để tham khảo.
– Tập trung trí tuệ các ngành để dịch gấp và đảm bảo độ chính xác các văn bản hướng dẫn áp dụng Công ước như Bộ chú giải, Tuyển tập các ví dụ phân loại và cho xuất bản. Phải tổ chức hội thảo giữa các ngành, các nhà chuyên môn để thống nhất nhận thức về một loạt vấn đề trong Công ước đề cập tới nhưng còn mới mẻ với Việt Nam mà từ trước tới nay ta vẫn áp dụng tuỳ tiện.
– Cùng với Bộ Tài chính và các ngành có liên quan, xác lập Biểu thuế quốc gia bằng song ngữ Anh – Việt, tuân thủ triệt để các quy định của Công ước HS cả về thuật ngữ mô tả lẫn mã HS trên cơ sở biểu thuế AHTN với mã 8 số.
– Rà soát lại để bổ sung một số chi tiết trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về “Triển khai Công ước HS”, Nghị định của Chính phủ về “Thủ tục Hải quan, chế độ kiểm tra giám sát Hải quan và Nghị định của Chính phủ về thi hành điều 27 và điều 72 Luật Hải quan đã và sẽ được ban hành”.
– Cung cấp đĩa CD-ROM dữ liệu cơ bản điện tử về hàng hoá cho Hải quan các cửa khẩu, các doanh nghiệp và các ngành khi có nhu cầu;
– Thiết lập tại các cửa khẩu lớn một đơn vị phân tích, phân loại và ở Trung ương cần sớm thành lập cơ quan chỉ đạo. Thông qua việc ban hành quy chế phân tích, phân loại và Quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan về chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức và bộ máy của cơ quan đặc biệt này.
Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của Công ước HS vào trong pháp luật của Việt Nam thông qua các văn bản pháp luật cơ bản như Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 107/2007/QĐ-BTC ngày 25/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/04/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (hết hiệu lực); Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ quy định về việc phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số Số 156/2011/TT-BTC Về việc ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Quyết định số 2914/QĐ-BTC Về việc đính chính Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 193/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế,…
Ngay từ tháng 3-2006, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa có yêu cầu quản lý chuyên ngành theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP và mới đây là Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Song, theo Tổng cục Hải quan việc triển khai lâu nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều Danh mục được ban hành nhưng không kèm theo mã HS của hàng hóa, gây nhầm lẫn khi thực hiện tại các cửa khẩu, dẫn tới chậm thông quan, thậm chí gây ra khiếu kiện kéo dài. Năm 2011 khi Danh mục Biểu thuế được ban hành kèm theo Thông tư 156/2011/TT-BTC và 157/2011/TT-BTC dựa trên HS 2012 được Tổ chức Hải quan thế giới ban hành, toàn bộ các dòng thuế đã được chuyển đổi từ 10 chữ số xuống 8 chữ số. Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ chuyên ngành chuẩn hóa 83 danh mục chuyên ngành ban hành kèm 72 văn bản. Tuy nhiên, đến tháng 6-2013 chỉ có 9 trên tổng số 72 văn bản được các bộ, ngành công bố ban hành. Đối với Biểu thuế năm 2013, đến hết tháng 7-2013, Tổng cục Hải quan chủ động, phối hợp với các bộ, ngành chuẩn hóa mã số HS được 133 danh mục chuyên ngành được ban hành kèm 88 văn bản. Đối với những văn bản không có danh mục kèm theo song có quy định tên hàng, có điều chỉnh đối với hoạt động xuất khẩu- nhập khẩu vẫn được Tổng cục Hải quan tiến hành rà soát mã số HS. Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam cũng giúp các bộ, ngành quản lý hàng hóa chặt chẽ; giúp công tác kê khai, kiểm tra mã số thuế và áp dụng các chính sách quản lý chuyên ngành được thực hiện nhanh chóng, chính xác và cung cấp dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu- nhập khẩu có điều kiện cho công tác quản lý hiện đại hóa, phục vụ hiệu quả cho thông quan điện tử.
Bài cùng chuyên mục
- CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ HỆ THỐNG ĐIỀU HÒA TRONG MÔ TẢ VÀ MÃ HÓA HÀNG HÓA (30/08/2017)
- Dịch vụ Kế toán – Thuế (11/01/2017)
- Điều kiện giao hàng theo Incoterms (P2) (30/10/2016)
- Điều kiện giao hàng theo Incoterms (P1) (30/10/2016)
- Điều kiện để hàng hóa được xuất nhập khẩu (27/10/2016)
- Lưu ý khi khai báo Hải quan (27/10/2016)
- Chế độ ưu tiên dành cho doanh nghiệp (24/10/2016)
- Nộp thuế hải quan (23/10/2016)
- Khai hải quan và Khai bổ sung hải quan (21/10/2016)